29-03-2024 8:25AM
logo
slide menu Home About News Product Shoppingcart Album Contact VN EN
Mẩu đá tự nhiên
Tìm kiếm
 Tên sản phẩm

Nhóm sản phẩm

 Mã sản phẩm


Hỗ trợ trực tuyến:
Hỗ trợ trực tuyến 1 Hỗ trợ trực tuyến 2
Đang online: 29
Lượt truy cập: 3.614.380

Hình tượng rắn thần Naga trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Phù điêu rắn Naga khai quật tại chân tháp Dương Long.

Rắn thần Naga là linh vật huyền thoại của văn hóa Ấn Độ, theo truyền thuyết thì rắn Naga thuộc về cõi âm, sinh sống dưới thủy cung. Linh vật này cũng là đề tài quen thuộc trong nghệ thuật điêu khắc tại một số vương quốc cổ ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có nghệ thuật điêu khắc Champa. Rắn thần Naga trong các tác phẩm nghệ thuật Champa thường được thể hiện một cách sống động và có tính nghệ thuật cao và thông thường bên cạnh rắn thần còn có các linh vật khác như thủy quái Makara, chim thần Garuda hoặc các vị thần khác của Ấn Độ giáo như thần Vishnu, thần Brahma…

Thần Siva Tháp Mẫm
thể hiện Siva trong tư thế ngồi xếp bằng, trên mình có sợi dây rắn Naga quấn qua vai.

Về chất liệu, hầu hết các bức phù điêu về rắn Naga đều được làm bằng đá sa thạch, sau đó trang trí lên một số bộ phận của các công trình kiến trúc như cửa ra vào, diềm mái, góc tháp… Nhờ các tác phẩm nghệ thuật này mà các khu đền tháp Champa tăng thêm phần tráng lệ và linh thiêng. Khu tháp Chăm hiện nay còn có nhiều phù điêu về rắn Naga nhất là cụm tháp Dương Long ở Bình Định. Tháp Dương Long còn nhiều mảng phù điêu lớn về rắn Naga trang trí ở chân tháp, cửa tháp, phần tiếp nối giữa thân tháp và mái tháp. Đáng chú ý là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc về chủ đề rắn thần ở di tích này gần gũi với nghệ thuật điêu khắc Khơme.

Qua nhiều biến thiên của lịch sử, phần lớn các công trình đền tháp Champa đã bị hư hại và sụp đổ, vì thế các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc liên quan đến đề tài rắn thần còn lại không nhiều. Một số ít tác phẩm còn lưu giữ được cho đến nay đều là những kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

Tượng Ganesa đứng 5.1
Choàng qua vai thần là một sợi dây hình rắn, một dấu hiệu thường thấy ở các tượng thần Siva.

Một trong những bức phù điêu nổi tiếng nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa liên quan đến rắn thần là tấm trang trí trên cửa ra vào có nguồn gốc ở tháp Mỹ Sơn E1 thuộc khu di tích Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam. Tấm phù điêu này chạm khắc hai trong số ba vị thần chính của Ấn Độ giáo là thần Vishnu - thần Bảo tồn và thần Brahma - thần Sáng tạo. Đây là chủ đề nói về sự đản sinh ra thần Braham của thần thoại Ấn Độ, trong đó thần Vishnu nằm mơ màng trên rắn thần bốn đầu trôi bồng bềnh trên đại dương vũ trụ. Tay phải của thần giữ lấy đầu còn tay trái giữ chặt cuống sen mọc ra từ rốn của thần, trên đài sen ở đỉnh của bức phù điêu là hình của thần Brahma có bốn mặt nhìn về bốn hướng và đang ngồi trong tư thế tọa thiền. Ở phía chân thần Vishnu có hình một vị đạo sĩ đang thành kính chúc phúc cho cuộc đản sinh. Hai đầu của bức phù điêu là hai chim thần Garuda có thân hình người, hai tay cầm hai con rắn như đang canh giữ cho cuộc đản sinh. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ IX.

Mi cửa tháp Mỹ Sơn E1: Đản sinh Brahma
Thần Vishnu nằm trên biển vũ trụ, được nâng đỡ bởi rắn thần Shesha 7 đầu, tay phải đỡ dưới đầu, tay trái giữ chặt cuống sen mọc ra từ rốn. Trên đài sen ở đỉnh bức phù điêu là hình ảnh thần Brahma ngồi chễm chệ.

Một phù điêu khác cũng là tấm trang trí trên cửa tháp có nguồn gốc từ di tích Trà Kiệu ở tỉnh Quảng Nam. Tấm phù điêu này có hình lá đề, bên trong thể hiện thần Vishnu ngồi thiền định trên mình rắn Naga cuộn thành chín khúc, phía sau lưng thần, rắn Naga mọc lên mười ba đầu tạo thành một chiếc tán rộng để che cho thần. Từ thân của thần Vishnu mọc ra bốn cánh tay cầm bốn vật tượng trưng, gồm chiếc gậy, chiếc tù và bằng ốc biển, chiếc đĩa và một đóa sen. Tấm phù điêu này được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và có giá trị vì đề tài liên quan đến thần Vishnu xuất hiện không nhiều trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

Một tác phẩm nghệ thuật được nhiều người biết đến là bức tượng bán phù điêu về chim thần Garuda và rắn thần Naga, tác phẩm này có nguồn gốc từ di tích tháp Mẫm ở Bình Định. Trong tác phẩm này, chim thần Garuda có thân hình người nhưng mang đầu và chân đại bàng. Chim đứng xòe cánh, miệng ngậm chặt đuôi rắn thần Naga, tay phải giữ chặt mình rắn, chân phải đạp lên cổ rắn. Trong khi đó rắn Naga đang cố vùng vẫy, đầu vươn cao như đang cố thoát khỏi miệng chim thần. Nội dung của tác phẩm này bắt nguồn từ sự tích trong thần thoại Ấn Độ, theo đó, chim thần Garuda và rắn thần Naga luôn có mối bất hòa sâu sắc vì mẹ của Garuda bị mẹ của Naga bắt làm nô lệ và sỉ nhục, vì vậy Garuda luôn bắt rắn Naga để ăn thịt hoặc để hầu hạ mình. Thực ra, đây là ảnh xạ về sự xung đột của các tộc người săn bắn ở vùng cao và của các tộc người đánh bắt ở vùng thấp ven biển trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII.

Cả ba tác phẩm nghệ thuật trên đây hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa ở Đà Nẵng.

Tượng chim thần Garuda bắt rắn


Ở Phú Yên vào đầu thế kỷ XX, khi khảo sát di tích Tháp Nhạn, nhà nghiên cứu H.Pacmentier đã cho biết trên di tích này có phù điêu hình những con rắn đang cấu xé các con vật khác. Thật đáng tiếc là những tấm phù điêu này đến nay không còn, có lẽ nó đã bị hư hại trong các cuộc chiến tranh. Nhưng tại di tích Tháp Bà ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa vào năm 1990 các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc Champa, trong đó có hai tác phẩm có nội dung về rắn Naga. Hai tác phẩm này tương đối giống nhau, hình tượng rắn Naga được thể hiện có đầu dẹt, thân phủ đầy vảy và uốn cong hình chữ U, đuôi vắt ngược lên cao, đầu ngẩng cao và hướng về phía trước. Nửa thân phía trước của rắn thể hiện kiểu tượng tròn, còn nửa phía sau thể hiện ở dạng bán phù điêu. Đây là tác phẩm trang trí trên bộ mái của công trình kiến trúc. Hai tác phẩm nghệ thuật này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII.

Cả hai tác phẩm điêu khắc về rắn Naga phát hiện ở di tích Núi Bà đều đang được trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên.

Nhìn chung, các tác phẩm điêu khắc Champa có chủ đề về rắn thần đều là những tác phẩm có giá trị về lịch sử và mỹ thuật. Đây cũng là một bộ phận quan trọng đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Rắn trong nghệ thuật điêu khắc Champa

Hồ Xuân Tịnh

Các loài rắn độc được xem là loài bò sát nguy hiểm,

không mấy người có thiện cảm với chúng, tuy nhiên,

ở nhiều nước trong vùng Đông Nam Á theo tín ngưỡng

Ấn Độ giáo, rắn xuất hiện trong thần thoại với tư cách

là một linh vật và được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc

sống động tại các đền thờ.

Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, rắn xuất hiện dưới hai tên gọi, đó là Sésa và Naga.

Theo thần thoại Ấn Độ, Sésa là vua của loài rắn. Rắn thần Sésa sống ở đại dương vũ trụ Ananta, có trách nhiệm phục vụ và bảo vệ thần Vishnu. Đôi khi Sésa còn được đồng nhất với Ananta, biểu tượng của của cõi vô tận và sự bất diệt. Hình tượng rắn thần Sésa thường gắn với thần Vishnu trong đề tài “Đản sinh Brahma”.

Bức phù điêu trên trán tiền sảnh đền thờ Mỹ Sơn E1, được làm bằng sa thạch màu vàng nâu, kích thước 218cm x 114cm x 23cm, đang trưng bày tại Bảo tàng ĐK Chăm Đà Nẵng, ký hiệu 17.8, diễn tả thần Vishnu nằm nghiêng trên lưng con rắn thần Sésa 7 bảy đầu, bồng bềnh trên biển vũ trụ Ananta; từ rốn thần Vishnu mọc ra một đóa hoa sen, trên đóa hoa sen là thần Brahma có 4 đầu ngồi xếp bằng. Đây là đề tài quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ giáo: “Đản sinh Brahama”. Phía sau thần Vishnu có một tu sĩ râu dài, hai bàn tay ông ta đưa ra phía trước trong tư thế chúc phúc. Ở hai đầu bức phù điêu có hai vị thần chân chim, mỗi vị thần cầm hai con rắn trên tay, đầu đội mũ mukuta, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hai chim thần Garuda có đầu người (H.1).

Một bức phù điêu Đản sinh Brahma khác đang trưng bày tại Bảo tàng ĐK Chăm Đà Nẵng ký hiệu 17.4, tìm thấy tại Phú Thọ (Quảng Ngãi), được làm bằng sa thạch xám, dài 185cm, cao72cm, thể hiện thần Vishnu có 4 cánh tay nằm trên lưng rắn Sésa 7 bảy đầu, bố cục của phù điêu nầy khác với phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn, cuốn hoa sen mọc ra từ rốn thần Vishnu được 2 thiên thần đỡ lấy và nâng lên,

Phù điêu hình lá đề đang trưng bày tại BTĐK Chăm Đà Nẵng, ký hiệu 18.4, thể hiện Vishnu ngồi trên lưng rắn Naga, tìm thấy tại Trà Kiệu, được làm bằng sa thạch xám, phù điêu cao 140cm, thể hiện thần Vishnu có 4 tay, ngồi xếp bằng trên thân rắn Naga cuộn tròn 9 khúc, 13 chiếc đầu rắn vươn lên phía sau thần và xòe ra như một chiếc tán để bảo vệ cho Thần (H.2).

Tại BTĐK Chăm Đà Nẵng còn có phù điêu ký hiệu 17.3, được làm bằng sa thạch xám, hình vuông, kích thước 75cmX75cm, được tìm thấy tại Phong Lệ (Hòa Vang, Đà Nẵng) thể hiện thần Vishnu ngồi theo kiểu Java trên một chiếc bệ, giữa 2 nhóm rắn Naga, mỗi con rắn có 3 đầu, mặt trước của chiếc bệ chạm 5 đầu rắn Naga.

Trong cuộc khai quật khảo cổ học quanh chân tháp Dương Long (Bình Định) vào năm 2006, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phát hiện được nhiều tác phẩm điêu khắc thể hiện rắn Naga. Rắn Naga ở tháp nhóm tháp Dương Long được chạm trổ rất chi tiết, đa dạng về kiểu dáng, phân bố khá dày từ chân tháp lên đến các cửa giả, cửa chính, các ô khám, xung quanh các tầng mái. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thể hiện rắn Naga tháp Dương Long là một hiện tượng đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

Hình tượng rắn Naga còn được thể hiện như một chiếc dây Bà la môn vắt ngang vài của thần Ganesa. Câu chuyện về chiếc dây Bà la môn trên vai thần Ganesa cũng khá độc đáo: Thần Ganesa mặc dù có thân hình khá đồ sộ nhưng lại cưỡi một con chuột cống, trong một lần Thần đi dự lễ tế về, đang ngon giấc trên lưng chuột cống, bỗng xuất hiện một con rắn hổ mang, rắn thôi miên con chuột và nuốt chửng chú chuột, thần Ganesa mất vật cưỡi, nổi giận giết chết con rắn và vắt ngang vai làm vật trang trí, về sau, dây rắn Naga trở thành hình tượng quen thuộc trên các pho tượng thần Ganesa và cả một số tượng thần Dvarapala...

Naga còn được thể hiện chung với hình tượng chim thần Garuda. Theo thần thoại Ấn Độ, Naga là loài rắn thần sống ở đại dương sâu thẳm, loài nầy rất thông minh nhưng quỷ quyệt, trong một lần tranh tài với loài chim thần Garuda, Vinata là mẹ của Naga đã lừa bịp nên mẹ của Garuda phải thua cuộc, theo thỏa thuận cuộc thi, kẻ thua cuộc phải chịu làm nô lệ cho bên thắng cuộc, do đó, mẹ Garuda phải làm nô lệ cho loài Naga. Uất ức vì bị mắc lừa, về sau Garuda thường hay bắt loài Naga ăn thịt để trả thù... Để nói lên sự tích đó, phần lớn các pho tượng Garuda trong điêu khắc Champa thường thể hiện chim thần đang ngậm một hoặc vài con Naga trong miệng (H.3).

Có một vài phù điêu kết hợp Naga với Garuda, nhưng không phải cảnh Garuda ngậm Naga, tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đang trưng bày một bức phù điêu ký hiệu BTLS.5972, tác phẩm được tìm thấy tại Trà Kiệu được làm bằng sa thạch cao 96cm, rộng 95cm, thể hiện Naga vươn cao 5 chiếc đầu như một cái tán sau lưng Garuda, giống như bố cục Naga bảo vệ Vishnu. Naga được thể hiện với gương mặt khá dữ dằn, trên đầu có mào, mắt lồi tròn, miệng nhe răng nanh như đe dọa (H.4).

Trong điêu khắc Champa còn có một số phù điêu hoặc tượng rắn riêng lẽ, tuy nhiên không sinh động bằng các tác phẩm kết hợp rắn với các nhân vật khác, gắn với các sự tích trong thần thoại Ấn Độ...

------

Tài liệu tham khảo:

- Le Musée de Sculpture Cham de Đà Nẵng.Edition de l’ AFAO, Paris 1997.

- Huỳnh Thị Được - Điêu khắc Chăm và Thần thoại Ấn Độ, NXB Đà Nẵng- 2005.

- Nguyễn Thanh Quang- Rắn Naga: yếu tố văn hóa Khơme trong điêu khắc Chăm tháp Dương Long . Báo Bình Định 3/4/2007

Nguồn: http://hotinh58.blogspot.com/2013/02/ran-trong-nghe-thuat-ieu-khac-champa.html

Bài liên quan

Nāga

http://en.wikipedia.org/wiki/Nāga

Nāga in Vietnam"

http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Nāga_in_Vietnam

Biểu tượng rắn thần Naga trong nghệ thuật Ấn Độ

http://www.academia.edu/3075675/Bi_u_t_ng_r_n_th_n_Naga_trong_ngh_thu_t_n_D_The_Naga_Symbol_in_Indian_Arts_

HÌNH TƯỢNG RẮN QUA TỤC THỜ VÀ HUYỀN THOẠI

http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=313&cate=93

http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/vh-phuong-dong-nhung-van-de-chung/2010-tran-minh-huong-hinh-tuong-ran-qua-tuc-tho-va-huyen-thoai.html

Biểu tượng rắn trong văn hóa một số nước phương Đông

http://huc.edu.vn/chi-tiet/2275/.html

Rắn trong biểu tượng văn hóa

http://vi.wikipedia.org/wiki/Rắn_trong_biểu_tượng_văn_hóa

Con rắn trong lịch sử văn hóa các dân tộc trên thế giới

http://www.dch.gov.vn/Upload/files/Con%20ran%20trong%20lich%20su%20van%20hoa%20cac%20dan%20toc%20tren%20the%20gioi.pdf

TRUYỀN THUYẾT VÀ HÌNH TƯỢNG RẮN THẦN NAGAR TRONG VĂN HÓA NGƯỜI KHMER

http://www.dulichsoctrang.org/bai-viet/530/truyen-thuyet-va-hinh-tuong-ran-than-nagar-trong-van-hoa-nguoi-khmer.kvn

TRUYỀN THUYẾT VỀ RẮN NAGA TRONG VĂN HÓA KHMER

http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=434&Itemid=47

VÀI SUY NGHĨ VỀ HÌNH TƯỢNG RẮN

TRONG PHẬT GIÁO

NGUYÊN THỦY

http://phatgiaonamtruyentheravada.com/index.php?route=product%2Fproduct&product_id=143

Rắn trong nghệ thuật điêu khắc

và kiến trúc VN.

http://chimvie3.free.fr/50/trinhttn91_RanvoiKienTrucVN.htm

Rắn trên gốm cổ

http://nguoiquangxaque.com/van-hoa-van-nghe/201302/Ran-tren-gom-co-170439/

Hình tượng rắn trong cổ vật Việt Nam

http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Chuyen-khao/2013/02/3A923573/

Rắn Naga: yếu tố văn hóa Khơme trong điêu khắc Chăm tháp Dương Long

http://www.baobinhdinh.com.vn/thapcham/2007/4/41337/

Điêu khắc đá Chăm Pa

http://vi.wikipedia.org/wiki/Điêu_khắc_đá_Chăm_Pa


Các tin khác
CƠ SỞ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH ĐÁ MỸ NGHỆ HUY HÙNG
Văn phòng: 262 Nguyễn Duy Trinh, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng
Nhà xưởng: 01 Quán Khái 11, Khu sản xuất 10, Làng Đá Mỹ Nghệ Non Nước, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng
Mã số thuế : 0401137989
Hotline: 0919 316 456 - 0918427359 - Fax: (+84) 0236 3981 172 ; Email: sales@huyhung.com - doantrangdn@gmail.com